CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT TRI ÂN THẦY CÔ, ngày 19/10/2013 tại NAM CALIFORNIA, HOA KỲ.
CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT TRI ÂN THẦY CÔ, ngày 19/10/2013 tại NAM CALIFORNIA, HOA KỲ.
Vào trưa ngày 19/10/2013, một số đông CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT tại Orange County, California, Hoa Kỳ để làm lễ TRI ÂN THẦY Hiệu Trưởng HỒ ĐẮC THĂNG cùng Quí Thầy Cô đã giảng dạy tại TrườngSĨ TẢI. Ngày 19 tháng 10 là ngày sanh và Thầy mất vào ngày 19/12/1973 tại Thị Xã Phước Lễ, Bà Rịa, Tỉnh Phước Tuy.
Trường SĨ TẢI là một trường trung học đầu tiên tại Vùng Bà Rịa- Phước Tuy do Thầy Hồ Đắc Thăng thành lập năm 1952. Trường dạy học sinh từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ Ban Trung Học Đệ Nhứt Cấp, tức là từ lớp 6 đến lớp 9 trong hệ Trung Học Phổ Thông 12 năm của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Nói theo cách nói sau năm 1975, Tư Thục Sĩ Tải là một trường Dân Lập dạy chương trình Trung Học Phổ Thông Cơ Sở.
Khi Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng qua đời năm 1973, cô Lê Thị Ánh thay thế chức vụ Hiệu Trưởng và Thầy Nguyễn Văn Kiêm vẫn tiếp tục là Giám Học cho đến khi Trường chấm dứt hoạt động sau ngày 30/4/1975. Cô Lê Thị Ánh là em thứ 8 của Phu Nhân Thầy Hồ Đắc Thăng, nên các Cựu Học Sinh Sĩ Tải kêu thân mật là “Cô 9 dạy Pháp Văn”. Cô tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương Pháp, và là giáo sư dạy Pháp Văn của Trường Sĩ Tải, từ nhiều năm trước.
Sau ngày 30/4/1975, trong vai trò Ban Giám Hiệu cũ, giữ vai trò lãnh đạo của Trường Sĩ Tải, Cô Lê Thị Ánh và Thầy Nguyễn Văn Kiêm, cùng với các giáo sư dạy Trường Sĩ Tải thời đó như Võ Phúc Ky, Trần Ngọc Quân, Nguyễn Ứng Nguyên, Phạm Văn Kiên, Trần Kim Sa,.. được mời đi học… tập trung cải tạo tại Trại K4-100 Long Khánh.
Sau hơn 4 tháng Học Tập Tốt và Lao Động Tốt Theo Gương Bác Hồ Vĩ Đại,... tùy theo trường hợp, các giáo sư Sĩ Tải nói trên được thả về quê quán và… không ai được cho đi dạy lại cả. Thầy Kiêm, về làm vườn ở xã Long Tân, Huyện Đất Đỏ; rồi sau đó cùng các con xuống tàu vượt biên, định cư tại Australia và qua đời tại đó. Cô Chín ở nhà lo việc nhà, kế tiếp gia đình bảo lãnh Cô qua định cư tại Mỹ. Thầy Võ Phúc Ky xuất gia đi tu và trở thành Thượng Tọa Thích Định Ngộ, làm trụ trì chùa nhà, tên là Long Quang Tự, tại Thị Trấn Hòa Long, Thành Phố Bà Rịa cho đến bây giờ,... Thầy Phạm Văn Kiên sau khi cải tạo về, đã vượt biên và nay đang định cư tại Thành Phố Atlanta ở miền Nam Tiểu Bang Georgia, nước Mỹ. Quí Thầy khác cũng đổi đời, làm nhiều nghề khác nhau,...; Thầy Trần Kim Sa, khi biết mình “không được sử dụng dạy học”, đã đi làm rẫy, chăn nuôi bò, nuôi dê,.. và phát triển được với nghề nuôi ong, lấy mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, bán cho các công ty dược phẩm của nhà nước, bán ong giống và đi thuyết trình về phương pháp nuôi ong giống Ý Đại Lợi, ở một số tỉnh miền Bắc,......
Trường Trung Học Sĩ Tải ngưng hoạt động từ dạo đó. Cơ Sở Trường Sĩ Tải được chánh quyền cách mạng sử dụng làm Trường Mẫu Giáo nuôi dạy trẻ con trong vùng, cho đến vài năm sau thì cơ sở bỏ hoang cho đến năm 2010, lần cuối cùng kẻ viết bài nầy nhìn thấy; không biết bây giờ ra sao.
Trong thời gian dài hoạt động đó, Trường Sĩ Tải đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, ...; nhiều người thành đạt trong xã hội, nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong chánh phủ, trước, và sau ngày 30/4/1975, ở trong nước và tại hải ngoại,...
Ban Tổ Chức Ngày TRI ÂN Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng và Tri Ân Thầy Cô hôm nay gồm có CHS Nguyễn Thị Lý, ở Westminster , California; CHS Pham Hồng Hiệp, ở San José, California; và CHS Trương Minh Ẩn, ở Dallas Tesas, với sự đóng góp của nhiều ACE khác,...
Rất đông Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh từ Germany. Australia, Canada, Denmark,.. và nhiều nơi trên các Tiểu Bang Hoa Kỳ, như Hawaii, Washington, Oregon, Minnesota, Illinois, Massachusette, Connecticut, Georgia, Texas, Louisiana,Virginia ... đã tụ họp về tham dự.
Nhiều cựu học sinh của lớp đầu (52-56), nay tuổi đã trên bảy mươi, ... từ nhiều nơi đã về như anh Lê Văn Trang, Nguyễn Hoàng Ảnh, Nguyễn Minh Tâm, Nghiêm Phú Phát,...
Đặc biệt, trong buổi lễ có sự hiện diện của CựuTrung Tá HUỲNH BỬU SƠN, cựu Tỉnh Trưởng Phước Tuy, và Ông Nguyễn Đình Phúc, Cựu Phó Tỉnh Trưởng Phước Tuy. Hai Vị nầy đã giúp rất nhiều cho Lễ An Táng Thầy , khi Thầy qua đời cuối năm 1973. Tưởng cũng nên nói thêm, Ông Nguyễn Đình Phúc, Cựu Phó Tỉnh Trưởng Phước Tuy thời 1972-1975 là học sinh khóa thứ tư (55-59)của Trường Sĩ Tải.
Từ Thành Phố Chicago IL. đến tham dự buổi lễ, Bác Sĩ Hồ Đắc Đằng, là người con trai duy nhứt của Thầy Hồ Đắc Thăng, và cũng là một học sinh trong lớp thứ hai của Trường Sĩ Tải.
Trong buổi lễ có sự hiện diện của Thượng Tọa THÍCH MINH HẠNH, Trụ Trì một ngôi chùa lớn tại Chicago, Tiểu Bang Illinois, cũng là một cựu học sinh Trường Sĩ Tải niên khóa 66-70..
NAG Lâm Minh Nghị phụ trách chụp hình cho buổi lễ; anh cùng với phu nhân của anh, lo việc in hình ngay tại chỗ .... để cho bà con, anh em cựu học sinh và quan khách tham dự, có hình ảnh kỷ niệm trước khi ra về,...
Hai cựu học sinh: Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn đến từ Dallas TX, và Thi Sĩ Nguyễn Phan Ngọc An đến từ San José CA, làm MC điều khiển chương trình,..
Mở đầu chương trình là ... chào Quốc Kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà,... ... và Phút Mặc Niệm để tưởng niệm Tiền Nhân, những người đi tìm tự do đã bỏ minh, để tưởng nhớ đến quí Thầy Cô đã quá vãng,... Sau phần nghi thức mở đầu, ban tổ chức đã giới thiệu quan khách và cựu học sinh các nơi về tham dự... Theo lời mời của MC, BS Hồ Đắc Đằng, Ông Nguyễn Đình Phúc, cùng các niên trưởng,... lên thắp hương trên bàn thờ Thầy Hiệu Trưởng,... Thượng Tọa THÍCH MINH HẠNH niệm hương cầu nguyện trước bàn thờ Thầy Cử Hồ Đắc Thăng. Sau đó, BS Hồ Đắc Đằng lên bày tỏ cảm tưởng của mình...Ông đã mặc áo tràng, cung kính quì lạy thân phụ mình, rồi nói về những kỷ niệm về thời thơ ấu của mình về người cha đáng kính, người Thầy mà ông luôn luôn cố gắng noi theo.
Tiếp theo đó, Ông Nguyễn Đình Phúc là một cựu học sinh trong những năm đầu của Trường lên sân khấu nói về những tâm tình, những kỷ niệm của mình trong những ngày còn đi học, và những năm Ông giữ nhiệm vụ Phó Tỉnh Trưởng Phước Tuy. Ông nhắc lại những lần đến thăm Thầy, vấn kế Thầy khi có vấn đề khó khăn trong công việc.
Trong những ngày lễ tang của Thầy Hiệu Trưởng, ông là người lo toan, chu đáo, ông cũng không quên cám ơn Cựu Trung Tá Huỳnh Bửu Sơn,người đã giúp rất nhiều để ông có phương tiện lo cho lễ tang của Thầy được trọn vẹn,..
Cựu Trung Tá Huỳnh Bửu Sơn, cựu Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phước Tuy, cũng lên sân khấu nói về tâm tình của mình đối với Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng, chính ông là người đã đại diệnTổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trao tặng Huân Chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh cho Thầy Hồ Đắc Thăng. Tưởng cũng nên nói thêm, Huân Chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh là một huân chương cao quí nhứt của ngành Giáo Dục, tặng cho người có công trong lãnh vực giáo dục và văn hoá dân tộc,...
Sau đó, lần lượt quí Ông Lê Văn Trang , người cựu học sinh đầu đàn của Trường Sĩ Tải phát biểu cảm tưởng, Tiếp đó,hai cựu giáo sư Trường Trung Học Sĩ Tải là Thầy Nguyễn Tích Kháng đến từ Copenhage, Đan Mạch và Thầy Trần Kim Sa đến từ New York, cũng bày tỏ tâm tình, kể về những kỷ niệm , và lòng ngưỡng mộ Thầy Hiệu Trưởng.
Lần lượt các Cựu Học Sinh Diệp Phước Ngà đến từ Texas, và Nhà Văn Vũ Nam, Lý Văn Văn về từ Germany,... đã bày tỏ cảm tưởng của mình về trường cũ và về người Thầy kính mến, ông Hiệu Trưởng HỒ ĐẮC THĂNG.
Theo chương trình, Ban Tổ Chức sẽ tặng “Đặc San Sĩ Tải” cho tất cả mọi người tham dự. Đặc San Sĩ Tải dày 170 trang in khổ 5,5 inches X 8,50 inches, bìa in màu với phù hiệu Trường Sĩ Tải đổi thành màu vàng y, với hình hoa phượng vỹ, với hàng chữ ”Kỷ Niệm Khó Quên”; tên người được tặng cũng được ghi rõ trên bìa trước. Đây là sáng kiến của Anh Trương Minh Ẩn, người có công, một mình lo layout, in ấn,...đặc san nói trên, góp nhặt bài vở từ các cựu học sinh Sĩ Tải khắp nơi, viết, và gởi về trong một thời gian ngắn,...Trong đặc san có bài ghi lại tiểu sử của Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng, có bài của Ông Nguyễn Đình Phúc viết về Thầy Hiệu Trưởng trong việc xây dựng quần thể văn hóa Phật Giáo mang tên Thích Ca Phật Đài tại Thành Phố Vũng Tàu năm 1963. Ngoài ra đặc san còn có những bài thơ tâm tình của tuổi mới lớn ở Trường Sĩ Tải, và một ít bài thơ Khóc Thầy viết vào những năm 1974,..
Ban Tổ Chức đã sưu tầm được và in lại trong đặc san những hình ảnh của học sinh Sĩ Tải trong Đại Hội Thể Thao toàn Tỉnh Phước Tuy, (trang 1) của Thầy Hiệu Trưởng, của một số giáo sư, và của một số học sinh,...Một điểm đặc biệt nữa là trong đặc san có những hình ảnh cuối cùng của Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng, trong sân trường ( ở các trang 92, trang 111, trang 121, trang 127 ) đứng trước sân trường với học sinh trong ngày đưa Ông Táo, ngày 23 tháng chạp, ngày cuối cùng của học kỳ , trước khi học sinh về nghỉ Tết năm 1973. Những hình ảnh nầy được trích từ phim nhựa Kodak Super 8 m/m do Thầy Trần Kim Sa quay bằng máy quay phim hiệu Kodak, đưa qua Hãng Kodak ở Mỹ in, được lưu giữ tại Bàrịa trong điều kiện rất khó khăn sau ngày 30/4/1975 và đem trở qua Mỹ để chuyển sang băng video. Cũng trong đoạn phim nầy, có hình ảnh của Thầy Nguyễn Văn Kiêm , (tìm thấy in lại ở trang 134), và hình Thầy Kiêm ngồi với Thầy Nguyễn Tích Kháng, Võ Phúc Ky đeo băng tang ở tay trái, Thầy Trần Ngọc Quân, Thầy Nguyễn Ứng Nguyên, và Thầy Phạm Văn Kiên ngồi cuối cùng ( trang 119, và trang 140).
Đoạn phim trên đã được Thầy Kim Sa chuyển qua video bằng maý chiếu phim 8 m/m vào năm 1992 , giao cho CHS Nguyễn Thiện Đỉnh chuyển qua DVD, dự định chiếu cho mọi người xem trong buổi lễ nầy, nhưng vào giờ chót, cái DVD do một vị trong Ban Tổ Chức... bỏ quên ... ở nhà...Sự thiếu sót nầy sẽ được bù lại bằng cách sẽ đưa đoạn video đó vào trong DVD ghi lại hình ảnh buổi lễ sẽ gởi lại cho mọi người xem sau,...
Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn và Thi Sĩ Nguyễn Phan Ngọc An trong vai trò MC đã lần lượt mời CHS Nguyễn Thị Lý, và CHS Phạm Hồng Hiệp trong Ban Tổ Chức trao “Đặc San Sĩ Tải “ cho BS Hồ Đắc Đằng, Cựu Trung Tá Huỳnh Bửu Sơn, Ông Nguyễn Đình Phúc, Thượng Tọa THÍCH MINH HẠNH, CHS Lê Văn Trang,CHS Nghiêm Phú Phát, CHS Nguyễn Hoàng Ảnh (Cựu Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Kiến Hoà, Bến Tre trước năm 1975), Thầy Nguyễn Tích Kháng (Cựu Phụ Tá Hành Chánh, Sở Học Chánh Phước Tuy trước năm 1975) ,...Sau đó, Ban Tổ Chức lần lượt đến từng bàn trao tặng “Đặc San Sĩ Tải “ cho tất cả mọi người tham dự; tên người được tặng cũng được ghi rõ trên bìa trước.
Tiếp theo chương trình, MC Trương Minh Ẩn đã giới thiệu Thi Sĩ Nguyễn Phan Ngọc An, người CHS Sĩ Tải niên khóa 61-65, đã xuất bản gần 10 tập thơ rất có giá trị; trong đó có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ đương thời phổ nhạc, do các ca sĩ nổi tiếng hát, thu vào nhiều CD. Xem chi tiết ở link dưới đây: http://forum.phunuviet.org/yaf_postst4673_NGUYEN-PHAN-NGOC-AN.aspx.
Trong “Đặc San Sĩ Tải “,bài thơ “Sĩ Tải Trường Xưa”của Nguyễn Phan Ngọc An được trang trọng đăng ở bìa 2 đầu sách. Ngọc An đã ngâm bài thơ nầy tặng cho mọi người có mặt.
Trong dịp nầy, CHS Cao Văn Trung, đã trình cho mọi người coi “Tập Kỷ Yếu Về Thích Ca Phật Đài “ mà anh giữ được từ năm 1963 đến ngày nay, anh hứa với mọi người sẽ scan và phổ biến đến mọi người. Tập sách nầy rất quí, vì qua đó, chúng ta có thể thấy được những hình ảnh của Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu, hình ảnh của Thầy Hiệu Trưởng cùng Đại Đức Narada, đến từ Tích Lan, cùng đặt Xá Lợi Phật vô Bảo Tháp, cùng trồng cây bồ đề có nguồn gốc từ Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ. Ngoài ra, chúng ta còn thấy những hình ảnh của những vị trong chánh quyền của Tỉnh Phước Tuy và Thị Xã Vũng Tàu; chư tôn đức tăng ni trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, các vị cao tăng, chức sắc lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt, ... trong buổi lễ khánh thành thánh tích này.
Do thời gian họp mặt ngắn quá, và thì giờ còn lại để anh em tâm tình với nhau, để nhiều người được phát biểu ý kiến,... nên chương trình văn nghệ được giản lược tối đa. Tuy nhiên, trong lúc mọi người thưởng thức các món ăn của nhà hàng, có vài bản nhạc rất thích hợp với khung cảnh trường học mà nhiều người đã nghe qua nhiều lần,...được hát lên. Đầu tiên là bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng” do CHS Trương Thị Hiền trình bày. Tiếp theo, CHS Đặng Thị Bạch Tuyết hát bài “Hạ Buồn,” . Sau đó, bài tân cổ giao duyên “Chiếc Áo Bà Ba” được TS Trương Minh Ẩn soạn lời Vọng Cổ, và hai vợ chồng anh đã song ca, rất hay, nội dung xúc tích, chữ dùng thích hợp, giọng ca truyền cảm, luyến lái đầy kỹ thuật, nhịp vững chắc, khiến cho bài ca “chiếc áo Bà Ba Trên Dòng Kinh Thăm Thẳm,....” làm người nghe xúc động tưởng nhớ đến “Chiếc Áo Ba Ba...Sĩ Tải “ thân thương,.. Biết bao người nam nhi chi chí lại bị lôi cuốn trong sự gọn gàng nhưng kiêu sa, đơn giản nhưng quanh co, kín đáo nhưng khêu gợi, bình thường nhưng lại khó quên,... của những cô em nữ sinh Trường Ông Cử. Nhưng một điều trớ trêu là người hát lại... mặc áo dài. Và trong hàng trăm nữ sinh xinh xắn năm nào, khiến cho bao đám con trai trồng cây si ở trước cổng trường ...”không có bảng hiệu” năm xưa,... hỏng có ai ... mặc áo bà ba cả,...Có một thoáng buồn len nhẹ trong tâm hồn nhiều người, trong đó, có người viết bài nầy,...
Nhưng bài nhạc kế tiếp cất lên, đã khiến người viết quên đi, mà nghe lời nhạc mới. Đó là bản nhạc “Trường Làng Tôi” của Phạm Trọng Cầu được in, và kèm trong “Đặc San Sĩ Tải’ được mọi người đồng ca, trong khi Thầy Trò sắp xếp chụp hình chung trước bàn thờ Thầy Hiệu Trưởng Hồ Đắc Thăng. lúc mọi người sắp sửa chia tay,...”Trường làng tôi, không giây phút tôi quên, dù cách xa muôn trùng, trường ơi...”
Mọi người chung tay dọn dẹp, từ giả nhau trong tình lưu luyến, không muốn ra về. Để coi lại hình ảnh của Trường Sĩ Tải những năm xưa, thân ái kính mời anh chị em và thân hữu SĨ TẢI vô youtube tìm bariasitai (đánh liền một chữ không có dấu) để xem slideshow do CHS SƠN NGUYỄN thực hiện, hoặc bấm CTRL và click chuột vô link duới đây: để coi vidéo. http://www.youtube.com/watch?v=M23teg-rJ-M&list=FL6MIHl4ABUlEjP4QGTpA2fA&index=1
Còn như, muốn coi toàn bộ hình của buổi lễ do Trần Kim Sa ghi được, xin click vô link duới đây:1-.
Phần 1- CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT TRI ÂN THẦY CÔ
Phần 2 - CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT TRI ÂN THẦY CÔ
Phần 3 - CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TƯ THỤC SĨ TẢI BÀRỊA HỌP MẶT TRI ÂN THẦY CÔ,
TRẦN KIM SA
Comments
Post a Comment